Học tập suốt đời để xây dựng đội ngũ cán bộ có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển
Học tập suốt đời sẽ góp phần xây dựng thành công đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình để hiện thực hóa nhiệm vụ cách mạng, tạo ra đột phá vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Đây là nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết với tiêu đề "Học tập suốt đời".
Học
tập suốt đời luôn là đòi hỏi cấp thiết, cấp bách với mỗi cán bộ, đảng viên
Theo
Tổng Bí thư, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên
quy mô toàn cầu, tạo nên sự biến cách to lớn trong đời sống xã hội, đặt ra
những yêu cầu mới, nhu cầu mới, nhiệm vụ mới, suy nghĩ mới, hành động mới với
mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên của hệ thống chính
trị trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là tận
dụng tối đa thời cơ, vận hội, đi tắt đón đầu, đưa đất nước vững bước vào kỷ
nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Để thực
hiện thắng lợi yêu cầu, nhiệm vụ, trọng trách trong giai đoạn mới, học tập suốt
đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích
chung, để trở thành những người hữu dụng đang là đòi hỏi cấp thiết đối với từng
cá nhân, mỗi công dân, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên trong hệ thống chính
trị.
Khẳng
định học tập suốt đời không phải là vấn đề mới, trong bài viết Tổng Bí thư Tô
Lâm đã điểm lại những giai đoạn lịch sử có ý nghĩa bước ngoặt cùng với đó là
các quyết sách quan trọng của Đảng được ban hành, những mô hình mới, những tấm
gương tiêu biểu trong tinh thần tự học, sáng tạo trong lao động, công tác, có
nhiều đóng góp cho cộng đồng, góp phần để đất nước đạt được những thành tựu vĩ
đại sau gần 40 năm đổi mới.
Cùng
với những kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư cũng thẳng thắng chỉ ra một số hạn
chế còn tồn tại trong thực hiện chủ trương học tập suốt đời, trong đó có đội
ngũ cán bộ, đảng viên.
Đó là
việc tự học, thực học và học tập suốt đời của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa
đạt kết quả như mong muốn. Vẫn còn tình trạng học theo phong trào, sính bằng
cấp mà chưa thực sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn, ngại khó, ngại khổ trong học
tập, không đào sâu suy nghĩ để vươn lên chinh phục những đỉnh cao trong khoa
học. Bên cạnh đó, tình trạng hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ nghĩa cá
nhân, bệnh kinh nghiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ảnh hưởng đến chất
lượng thực thi công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân.
Một bộ
phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thỏa mãn với kiến thức đã học
trong các trường lớp, cơ sở đào tạo, hoặc chạy theo việc học để hoàn thiện bằng
cấp đủ điều kiện thăng tiến, không chịu nghiên cứu, học hỏi thường xuyên để
nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, kiến thức, kỹ năng hội nhập và
khả năng thích ứng... Cũng còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngại
học, không có khái niệm học thường xuyên, học suốt đời nên trở thành lạc hậu,
bảo thủ, không thích nghi và bắt nhịp với “guồng quay” hối hả của nhịp sống “vũ
bão” thời khoa học và công nghệ.
Điều
này cũng làm ảnh hưởng đến tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách
nhiệm; triệt tiêu động lực đổi mới, sáng tạo, không đủ nền tảng kiến thức và tự
tin về năng lực đề xuất cũng như thực hiện những sáng kiến, giải pháp đột phá.
Học
tập suốt đời tạo ra đội ngũ cán bộ dũng cảm, dám dấn thân; có khát vọng vươn
lên, khát vọng phát triển
Trên cơ
sở đánh giá thời cơ, vận hội mới để Việt Nam vươn mình sánh vai với thế giới,
hiện thực hóa ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân
tộc, Tổng Bí thư nhấn mạnh hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những cán bộ có tư
duy, tầm nhìn, việc làm đột phá, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách
nhiệm, dám hy sinh, đặc biệt trong thực hiện các cuộc cách mạng về sắp xếp tổ
chức bộ máy và thực hiện Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi
mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Với thế
giới phức tạp, không ổn định và biến đổi khôn lường, tri thức phải không ngừng
được bổ sung, tuổi thọ con người dài hơn, thời gian về hưu đủ dài, buộc người
cao tuổi phải học và hoạt động để không bị lạc hậu với xã hội hiện đại.
Trong bối cảnh đó, học tập suốt đời trở thành một quy luật
sống; không chỉ giúp mỗi cá nhân nhận biết, thích nghi, không tụt hậu trước sự
biến đổi từng ngày của thế giới hiện tại, làm giàu trí tuệ, hoàn thiện nhân
cách, vượt qua khó khăn, thử thách để ngày càng tiến bộ và định vị bản thân trong
xã hội hiện đại; cao hơn, đây là chìa khoá quan trọng để nâng cao dân trí và
đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, là con đường duy nhất,
hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, bền
vững.
Tổng Bí
thư Tô Lâm cho rằng học tập suốt đời cũng giúp khắc phục triệt để những “điểm
nghẽn” trong cơ chế, chính sách, biểu hiện hình thức trong tự phê bình và phê
bình; xóa bỏ tình trạng trì trệ, lúng túng trong giải quyết công việc tại các
địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó, tạo ra được đội ngũ cán bộ dũng cảm, dám
nói những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, từ đòi hỏi của đổi mới và yêu cầu,
nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Theo Tổng Bí thư, đội ngũ này cũng chính
là những người có quyết tâm, dám chịu trách nhiệm về kết quả công việc, lĩnh
vực, ngành mà mình đảm trách, dám nhận lỗi, sửa sai, chịu trách nhiệm trước
dân, trước Đảng, biết làm chủ bản thân và công việc; dám chống lại những sự
vinh hoa, phú quý không chính đáng và nếu cần, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì Đảng,
vì Tổ quốc và nhân dân.
“Khi
đó, chúng ta sẽ xây dựng thành công đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm
chất đạo đức tốt, có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám
làm, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình…” - Tổng Bí thư nhấn
mạnh.
Trong
bài viết, Tổng Bí thư cũng khẳng định xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời
chỉ thành công khi mỗi công dân ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối
với việc tự học tập suốt đời. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn ý thức rõ học tập suốt
đời là nhiệm vụ cách mạng với thái độ nghiêm túc và ý thức tự giác cao; học về
tư cách người cán bộ cách mạng, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân…
“Không ngừng tự học tập, tự cập nhật kiến thức mới, tham gia tích cực phong
trào “học tập số”, phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức
số; tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, dòng họ tự học tập
suốt đời” - Tổng Bí thư Tô Lâm nói và nhấn mạnh thông qua học tập suốt đời để
hoàn thành được mọi nhiệm vụ mà Đảng, cách mạng và nhân dân giao phó.
Tổng Bí
thư yêu cầu mỗi cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp nhận thức
rõ mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người xã hội chủ
nghĩa, từ đó xác định các nội dung học tập suốt đời cho cán bộ, đảng viên,
thành viên gắn với phát động thi đua, đánh giá, biểu dương, khen thưởng.
Người
đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định chỉ khi toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây
dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh,
chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh
dưới sự lãnh đạo của Đảng.