image banner
Chiến thắng Điện Biên Phủ, thắng lợi vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Lượt xem: 46
Cách đây 71 năm (7/5/1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hơn 70 thập kỷ đã trôi qua, song chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên giá trị, là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, bản khải hoàn ca, minh chứng sinh động, hùng hồn cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.
anh tin bai

Ảnh tư liệu

Chiến dịch Điện Biên Phủ- mốc son lịch sử chói lọi thế kỷ XX

Tháng 1-1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ tư, phân tích một cách sâu sắc, khoa học hình thái chiến sự trên chiến trường Việt Nam và chiến trường toàn Đông Dương. Trung ương nhận định, do tình hình phát triển không đồng đều của lực lượng ta trên các chiến trường Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, nên đại bộ phận chủ lực của địch đã dần dần tập trung ở Bắc Bộ, trong lúc chúng còn nhiều sơ hở trên các chiến trường khác. Ở Bắc Bộ, lực lượng của chúng tập trung ở đồng bằng, còn ở chiến trường miền núi thì chúng tương đối yếu hơn, điều kiện địa hình ở đó lại có lợi cho ta, không có lợi cho địch.

Vào thời điểm các cuộc tiến công Đông - Xuân của ta chuẩn bị bắt đầu, cục diện chiến sự có một sự biến chuyển mới. Địch phát hiện sự di chuyển của một bộ phận chủ lực ta lên hướng Tây Bắc. Ngày 20-11-1953, chúng đã dùng một bộ phận lực lượng cơ động, nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ. Chúng ta đã kịp thời nhận định tình huống mới: Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mặc dù ta không phán đoán được cụ thể về địa điểm và thời gian, nhưng cũng nằm trong phạm vi phán đoán trước của ta là nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng đó. Như vậy là, trước sự uy hiếp của ta, địch đã phải bị động đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để yểm hộ cho Tây Bắc, che chở cho Thượng Lào.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc. Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ được bố trí thành tập đoàn cứ điểm bao gồm 3 phân khu yểm hộ lẫn nhau, tất cả có 49 cứ điểm. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự; nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành những cụm cứ điểm gọi là “trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp”, có lực lượng cơ động, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vững chắc, xung quanh có hào giao thông và hàng rào dây thép gai, có khả năng độc lập phòng ngự khá mạnh. Mỗi phân khu bao gồm nhiều trung tâm đề kháng kiên cố như vậy. Mỗi trung tâm đề kháng cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm đều được bảo vệ bằng hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, bằng một hệ thống công sự phụ (hàng rào hoặc bãi dây thép gai, bãi mìn) và bằng một hệ thống hỏa lực rất mạnh.

Chúng ta hạ quyết tâm tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ để tiêu diệt binh lực tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương. Quyết tâm rất lớn trên đây quán triệt phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt mà Trung ương đã đề ra khi chỉ đạo tác chiến trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng vào ngày 7-5-1954. Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của quân ta đã kết thúc bằng một chiến thắng vĩ đại.

Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Một nửa nước ta được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, xây dựng miền Bắc trong hòa bình, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó Đảng ta đã đặc biệt coi trọng khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng đòi hỏi của yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

anh tin bai

Các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. Ảnh tư liệu/nhandan.vn  

Trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng”, các tầng lớp nhân dân cả ở vùng tự do cũng như ở nhiều vùng còn bị địch tạm chiếm đã chung sức đồng lòng tham gia vận chuyển lương thực thực phẩm, phục vụ chiến đấu. Các đoàn dân công lên đường với tinh thần hăng hái, phấn khởi như đi trẩy hội, được tổ chức chặt chẽ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bằng tinh thần đoàn kết ấy, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260.000 dân công (tính ra thành 14.000.000 ngày công), 20.091 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ. Đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã chuyển được ra mặt trận là hơn 2 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô”. Có thể nói, từ vùng tự do Việt Bắc, từ Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến các vùng du kích, các khu căn cứ ở Đồng bằng Bắc Bộ… mọi tầng lớp Nhân dân đều đoàn kết dồn sức cho Điện Biên Phủ. Với việc nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khó khăn lớn nhất của Chiến dịch là công tác hậu cần đã được giải quyết có hiệu quả.  

anh tin bai

Dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm ra Mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, trải qua gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, trước những biến động nhanh chóng, khó dự báo của tình hình thế giới và khu vực, đòi hỏi chúng ta tiếp tục phát huy những bài học lịch sử quý báu từ chiến thắng Điện Biên Phủ trong điều kiện mới khi cả dân tộc đang chuyển mình tiến bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng. Một trong những nội dung quan trọng, có ý nghĩa then chốt là bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. 

Trong tình hình mới, Ðảng ta tiếp tục khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðộng viên và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ cương phép nước trong đời sống xã hội. Để thực hiện thành công, thắng lợi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí, nghị lực và sức sáng tạo của con người Việt Nam trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, để phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thì bản thân Đảng phải là tấm gương về đoàn kết, thống nhất. “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế”

Kế thừa và vận dụng sáng tạo bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết là “chìa khóa” quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, vững bước tiến lên thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh”./.

Phùng Nam Trung
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập