Kết quả sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 16 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Bám sát nội dung Chỉ thị số 16-CT/TU, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã nghiêm túc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân với tổng số 191 hội nghị, 9.686 lượt đại biểu tham dự; đồng thời cụ thể hóa bằng 192 văn bản gồm nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, đề án, quy chế,… để thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới; Chỉ thị 16-CT/TU đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.
Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân; Quy chế số 17-QC/TU, ngày 04/12/2019 của Tỉnh ủy Lào Cai về tiếp xúc đối thoại trực tiếp với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm qua cấp ủy các cấp đã duy trì tiếp dân được 6.059 ngày với 4.648 lượt công dân, trong đó Bí thư Tỉnh ủy tiếp 24 ngày/172 lượt/356 công dân; Bí thư cấp huyện tiếp 810/1.630 lượt công dân; cấp xã tiếp 5.225 ngày/2.662 lượt công dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức được 1.642 cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; trong đó cấp tỉnh 11 cuộc, cấp huyện, thị xã, thành phố 168 cuộc; cấp xã, phường, thị trấn 1.473 cuộc. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại thường xuyên với Nhân dân.
Hội đồng nhân dân các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng liên quan đến đời sống Nhân dân, nhất là trên các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ đầu tư, cơ chế, chính sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động của các đại biểu HĐND đã có những đổi mới tích cực theo hướng sát dân, gần dân; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến các cấp chính quyền. Từ năm 2021 đến nay, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 293 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết về các chính sách đặc thù hỗ trợ người dân vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế.
Các cơ quan Nhà nước, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thực hiện công tác dân vận chính quyền theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai như: Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 17/01/2022 về thực hiện công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026; Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 12/6/2022 về triển khai thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 292/KH-UBND ngày 17/8/2022 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới; Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 07/4/2023 về thực hiện công tác dân vận chính quyền năm 2023; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 09/02/2023 về thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023; Công văn số 993/UBND-NLN ngày 14/3/2023 về việc tăng cường thực hiện giảm tình trạng tảo hôn và phụ nữ DTTS sinh con trước 18 tuổi; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định số 441/QĐ-UBND, ngày 21/02/2022 về việc ban hành quy định công tác dân vận trong thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân từng bước được hiện đại hóa, quy trình hóa, công khai hóa.
Lực lượng vũ trang chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Triển khai các chương trình phối hợp hoạt động dân vận với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ, đội công tác dân vận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. BCH Quân sự tỉnh tổ chức 06 đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận gắn với xây dựng nông thôn mới, đóng góp trên 1.200 ngày công thu hoạch mùa màng, vệ sinh thôn bản; tu sửa 05 nhà văn hóa, trên 6,5km đường; làm mới 1,5km đường nông thôn; xóa 15 nhà tạm; củng cố, sửa 18 nhà; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí 750 lượt người; xây dựng 03 nhà đồng đội, 110 nhà đại đoàn kết; huy động trên 2.500 cán bộ, chiến sĩ, 250 lượt phương tiện tham gia phòng chống lụt bão, khắc phục thiên tai, dịch bệnh. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo điều hành phối hợp hoạt động dân vận tỉnh triển khai 01 hoạt động dân vận tại xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà năm 2024 đã hỗ trợ 10 tấn xi măng đổ bê tông đường liên thôn; tổng vệ sinh môi trường, phát quang 750m đường; tổ chức tuyên truyền cho trên 70 lượt người tham gia; đổ 450m đường bê tông. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh xây dựng được 78 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” và 02 công trình dân sinh, tổng trị giá 3,2 tỉ đồng.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở; tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội được các cấp ủy, chính quyền tiếp thu, chỉ đạo giải quyết. Công tác tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền và hoạt động phản biện xã hội đối với xây dựng cơ chế, chính sách, dự thảo luật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, ban hành văn bản triển khai gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì thực hiện được 1.407 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiêu biểu như: Mô hình “Dòng họ không có tảo hôn” tại thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn, huyện Mường Khương; mô hình “Khu dân cư không tệ nạn xã hội” tại thôn Tả Trang, xã Quang Kim, huyện Bát Xát; mô hình thực hiện công tác dân vận trong thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thị xã Sa Pa; mô hình “Mô hình tự quản đường biên bốc giới” và mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự ở khu vực biên giới” (tại huyện Mường Khương, huyện Si Ma Cai); mô hình xây dựng Chính quyền thân thiện (huyện Bảo Yên)…
Sau 03 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục được tăng cường và đổi mới; công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp có chuyển biến tích cực; Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; công tác phối hợp thực hiện các hoạt động dân vận giữa các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có sự đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được hệ thống chính trị triển khai từng bước đi vào chiều sâu, có nhiều mô hình tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác dân vận có nơi còn hình thức; việc cụ thể hóa nhiệm vụ dân vận vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nơi còn chậm, công tác phản biện xã hội còn hạn chế; việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” một số nơi còn hình thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên về triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Chỉ thị số 16-CT/TU trên địa bàn tỉnh.
Hai là, cấp ủy Đảng các cấp tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận… của Đảng về công tác dân vận phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, đơn vị.
Ba là, tăng cường đổi mới công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 15/9/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc tiếp xúc, đối thoại định kỳ; tăng cường tiếp xúc, đối thoại thường xuyên, đột xuất khi phát sinh các tình huống phức tạp; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kịp thời đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri, nhân dân theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; Quy chế số 17-QC/TU ngày 04/12/2019 về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, chú trọng giám sát, phản biện xã hội các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến người dân.
Sáu là, triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện công tác dân vận. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phong trào xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”./.